BASATO – Giải pháp truyền tin báo sự cố thông minh

BASATO – Giải pháp truyền tin báo sự cố thông minh
Tin tức nổi bật

Ngày toàn dân Phòng cháy, chữa cháy – cao điểm huy động sức mạnh toàn dân tham gia giữ gìn bình yên cuộc sống

06/10/2022

Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 quy định “Ngày 4/10 hằng năm là Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”. Từ đó dịp 4/10 hằng năm đã trở thành đợt cao điểm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức và toàn dân tham gia công tác bảo đảm an toàn PCCC, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn của đất nước.

Việc lấy ngày 4/10 hằng năm là Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là một quyết định đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sát sao, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, nhà nước ta đối với sự nghiệp PCCC. Đồng thời khẳng định, công tác PCCC là trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH giữ vai trò nòng cốt. Lịch sử, sự ra đời, ý nghĩa của Ngày Toàn dân PCCC xuất phát từ mối quan hệ gắn bó bền bỉ, máu thịt giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH với nhân dân. Trong suốt hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thấm nhuần quan điểm của Đảng, vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đã luôn bám sát địa bàn, cơ sở vận động nhân dân tham gia công tác PCCC, xây dựng nhiều mô hình phong trào, điển hình tiên tiến trong các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư. Những phong trào, điển hình tiên tiến về PCCC đã góp phần động viên, cổ vũ, huy động sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân, các cấp, các ngành quan tâm, chăm lo công tác PCCC, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH lớn mạnh theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Ngày 4/10 hằng năm cũng là Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH làm cho ý nghĩa của ngày Toàn dân PCCC càng thêm sâu sắc.

Kết quả hơn 20 năm thực hiện “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” đã khẳng định đây là đợt cao điểm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC, là ngày hội PCCC của toàn dân. Bước chuyển biến rõ nét là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp được quan tâm sát sao; sự tham gia vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân làm cho diện mạo công tác PCCC có nhiều thay đổi tích cực; ý thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC của người đứng đầu, người quản lý lao động, người lao động và người dân được nâng cao. Trong dịp này nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và sáng tạo đã đồng loạt diễn ra tại các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, chợ, trung tâm, thương mại… như mít tinh biểu dương lực lượng; hội thao, hội thảo; kiểm tra an toàn; diễn tập phương án chữa cháy, CNCH; tuyên truyền trực quan, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC, tuyên dương điển hình tiên tiến về PCCC. Các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương quan tâm dành thời lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Nhiều chương trình, sản phẩm tuyên truyền hình thức thể hiện mới mẻ, hấp dẫn, nội dung sâu sắc có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Trong dịp này, phong trào Toàn dân PCCC cũng phát triển nở rộ, nhiều mô hình hay, công việc tốt được người dân phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thành lập và duy trì hoạt động như mô hình Đội chữa cháy tình nguyện dưới chân núi Lang Biang (Lạc Dương, Lâm Đồng); Đội chữa cháy từ thiện của người nông dân xã Hòa Lạc, huyện Tân Phú, An Giang; mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” của phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; mô hình “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC” của TP Hải Phòng; tổ Liên gia về PCCC của Bắc Ninh; khu phố (ấp) điểm an toàn về PCCC; một ngày làm lính chữa cháy; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự giác gỡ bỏ lòng sắt (chuồng cọp) tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ phương tiện chữa cháy, CNCH… Nhiều nơi, nhân dân đã tự phá rỡ, giải tỏa lấn chiếm tạo khoảng cách an toàn PCCC và thoát nạn; dọn đường cho xe chữa cháy cơ động; đóng góp kinh phí mua sắm phương tiện, dụng cụ chữa cháy… Những phong trào Toàn dân PCCC tuy có nhiều tên gọi cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương nhưng tựu chung đều mang sứ mệnh bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nên đã được người dân đồng thuận, ủng hộ và được lan tỏa, nhân rộng ra toàn quốc.

Từ nguồn cảm hứng tích cực, ý nghĩa sâu sắc, nhân văn của phong trào Toàn dân PCCC, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm cứu người gây xúc động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, được người dân tôn xưng là những “người hùng”, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen thưởng (anh Nguyễn Đức Chính – Nam Định được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn, khen ngợi về hành động dũng cảm nhảy từ cầu Thịnh Long với độ cao gần 30m để cứu một nữ sinh lớp 8 đang chới với trong dòng nước chảy xiết, đưa vào bờ an toàn; anh Trung Văn Nam, ở Hoàng Mai, Hà Nội khi phát hiện có người mắc kẹt trong đám cháy nhà dân, đã không quản ngại nguy hiểm, tiếp cận đám cháy cứu sống cháu bé 14 tuổi được Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tặng Bằng khen…).

Chỉ tính trong giai đoạn 2014 – 2020 (theo số liệu báo cáo số 41/BC-ĐGS, ngày 17/10/2019, Đoàn Giám sát của Quốc hội khóa XIV, kết quả giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018” và báo cáo tổng kết 2019, 2020 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH toàn quốc đã phối hợp với các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương tổ chức đăng phát 77.451 tin, bài; phát sóng 9.816 phóng sự, phim tài liệu PCCC; phát hành 5.385.410 băng rôn, khẩu hiệu và 5.259.720 tờ rơi, khuyến cáo về PCCC; in sao, phát hành 10.147 băng, đĩa CD tuyên truyền về công tác an toàn PCCC; tổ chức được 258.604 buổi tuyên truyền và huấn luyện PCCC, CNCH cho 12.311.455 lượt người tham gia.

Hiện cả nước có 80.559 đội dân phòng, với 824.184 đội viên; 325. 087 đội PCCC cơ sở, với 2.321.061 đội viên; có 460 đội PCCC chuyên ngành, với 8.540 đội viên. Hằng năm, lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã phối hợp với nhân dân phát hiện và dập tắt trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra hàng năm, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội.

Trải qua hơn hai thập kỷ thực hiện Ngày toàn dân PCCC, có thể khẳng định hoạt động PCCC của nhân dân đã đi vào nền nếp, có chiều sâu, có hiệu quả; phong trào Toàn dân PCCC phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ở cơ sở, khu dân cư và trở thành một bộ phận quan trọng của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức thực hiện Ngày toàn dân PCCC vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau: Công tác chỉ đạo, tổ chức tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; một số nơi, việc tổ chức còn mang nặng tính hình thức không chuyển tải được tinh thần, ý nghĩa nhân văn, thiết thực của Ngày toàn dân PCCC do đó không thu hút được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân. Nguyên nhân sâu xa là do cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ sở ở một số địa phương chưa nhận thức đầu đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Toàn dân PCCC nên không có sự quan tâm sát sao, chỉ đạo công tác tổ chức các hoạt động trong dịp ngày Toàn dân PCCC; vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an một số địa phương chưa được thể hiện một cách rõ nét; sự phối hợp giữa cơ quan công an và các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ dẫn đến chất lượng các hoạt động về PCCC còn sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; phong trào Toàn dân PCCC tuy được phát động rầm rộ trong dịp này nhưng một số phong trào còn mang tính tự phát, không được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên chưa duy trì được hoạt động lâu dài; việc biểu dương, khen thưởng các tập thể, các nhân chưa kịp thời nên chưa động viên được những nhân tố tích cực trong nhân dân; chưa có chính sách cho đội viên đội PCCC cơ sở và dân phòng gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng này…

Trong thời gian tới, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phải nỗ lực cao để tăng cường sản xuất, kinh doanh phục hồi sau đại dịch COVID19. Cùng với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, nguy cơ cháy nổ, sự cố, tai nạn cũng sẽ gia tăng, đe dọa thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân, của nhà nước, tác động xấu đến an sinh, trật tự an toàn xã hội. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều hơn những trận lũ lụt, sạt lở, cháy rừng với quy mô lớn, tính chất phức tạp cũng trở thành thách thức đối với công tác PCCC và CNCH. Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và toàn dân là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác PCCC và CNCH. Để tổ chức các hoạt động trong dịp Ngày Toàn dân PCCC thiết thực, hiệu quả, bảo đảm an toàn sản xuất và bình yên cuộc sống của người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị các đơn vị chức năng trong Công an, các cấp, các ngành và toàn dân tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp, biện pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an đối với công tác bảo đảm an toàn PCCC, trong đó có việc tổ chức các hoạt động Ngày toàn dân PCCC hằng năm. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho công tác PCCC được triển khai rộng rãi mang lại hiệu quả thiết thực. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức công tác PCCC theo đúng quy định của Luật PCCC, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương. Hằng năm, các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ đạo về PCCC đủ mạnh gánh vác vai trò chỉ đạo, lãnh đạo công tác PCCC, giải quyết triệt để những vấn đề nổi lên trong công tác bảo đảm an toàn PCCC.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC cho người đứng đầu, người sử dụng lao động, người lao động và người dân. Thông qua việc tổ chức các hoạt động Ngày toàn dân PCCC tuyên truyền giáo dục làm cho các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của công tác PCCC. Để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành thực hiện đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức làm công tác tuyền truyền tại các địa phương theo nội dung Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới” (Ban hành kèm theo Quyết định số 382/QĐ-BCA, ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an; xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương để tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCCC rộng rãi trong dịp Ngày toàn dân PCCC.

Về hình thức, nội dung tuyên truyền, cần kết hợp tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với tuyên truyền trực quan, hướng dẫn thi hành pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại các đơn vị, cơ sở, khu dân cư; coi trọng tuyên truyền mô hình tốt, kinh nghiệm hay, việc làm tốt trong phong trào Toàn dân PCCC.

Thứ ba, đổi mới, nâng chất lượng hoạt động Ngày toàn dân PCCC. Muốn làm tốt công tác này phải tổ chức được đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tinh gọn, thống nhất từ TW đến địa phương; đầu tư, tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này có đủ năng lực tham mưu, đề xuất và tổ chức các hoạt động phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung.

Công an các địa phương cần tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề, sự việc nổi cộm trong công tác PCCC; bám sát hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và phong trào Toàn dân PCCC, kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt; động viên, cổ vũ nhân dân thực hiện công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, góp phần bảo vệ phát triển sản xuất bền vững, ổn định trật tự, an toàn xã hội; đưa những chính sách về PCCC và CNCH của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc tổ chức các hoạt động Ngày toàn dân PCCC để rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, biện pháp tuyên truyền, dân vận phù hợp yêu cầu thực tế.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, gắn bó giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH với các cấp, các ngành và nhân dân, trong đó chú trọng việc trao đổi, chia sẻ thông tin để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đơn vị, cơ sở và nhân dân. Từ đó, giúp lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động Ngày toàn dân PCCC kết hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích thiết thực, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản của người dân ở nơi sinh sống, nơi làm việc, thu hút sự tham gia, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân.

Thứ năm, tổ chức các hoạt động Ngày toàn dân PCCC và xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân PCCC bám sát nhiệm vụ trọng yếu của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động nguồn lực lớn lao, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC nói riêng và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung. Xác định mối quan hệ biện chứng giữa Ngày toàn dân PCCC, Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dựa trên cơ sở lý tưởng cao đẹp, sự hi sinh thầm lặng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng, lực lượng Công an nhân dân nói chung làm cho mọi người dân tự giác nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ, tinh thần cộng đồng, mong muốn được đóng góp, tham gia các hoạt động Ngày toàn dân PCCC, phong trào Toàn dân PCCC và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc./.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh – Cục trưởng C07

Nguồn: Canhsatpccc.gov.vn

Tin tức liên quan