BASATO – Giải pháp truyền tin báo sự cố thông minh

BASATO – Giải pháp truyền tin báo sự cố thông minh
Tin tức nổi bật

Bọt chữa cháy thân thiện với môi trường và con người

01/11/2022

Qua nghiên cứu, Cục PCCC&CNCH nhận thấy Bọt chữa cháy là chất chữa cháy phổ biến, được sử dụng hơn 50 năm qua. Khởi đầu được sản xuất từ đầu những năm 1960 bởi Hải quân Hoa Kỳ và công ty 3M. Đặc biệt, bọt chữa cháy có hiệu quả trong việc dập tắt các đám cháy chất lỏng.

01112022PHONG7.201112022PHONG7.2

Trong đó, bọt tạo màng nước (Aqueous Film Forming Foam) bao gồm: AFFF, hoặc AR-AFFF kháng cồn, là một loại bọt hiệu quả cao, được sử dụng để chữa cháy các đám cháy chất lỏng dễ cháy có độ nguy hiểm cao. AFFF thường được tạo ra bằng cách kết hợp chất tạo bọt với chất hoạt động bề mặt có flo… Khi được trộn với nước và phun qua lăng chữa cháy tạo thành một màng bọt nước nhanh chóng ngăn oxy tiếp xúc với chất cháy, làm nguội, dập tắt đám cháy và ngăn đám cháy bùng phát trở lại.

Bên cạnh những lợi ích của Bọt chữa cháy như: giảm lượng nước sử dụng trong quá trình dập cháy và hiệu quả dập tắt đám cháy nhanh chóng, việc sử dụng Bọt chữa cháy AFFF cũng có những tác động nhất định đến môi trường và sức khoẻ con người.

PFAS là thành phần hoạt tính trong các chất hoạt động bề mặt có chứa flo. Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) có trong bọt chữa cháy là “hóa chất vĩnh viễn” (“Forever Chemicals”). Bởi những hóa chất này không bị phân huỷ và tồn tại trong một thời gian dài. PFAS cũng bao gồm hai hợp chất khác là axit perfluorooctane (PFOA) và axit perfluorooctanesulfonic (PFOS).

Các chất cô đặc bọt chữa cháy được sản xuất theo cách truyền thống bằng cách sử dụng chất fluorosurfactants có chiều dài chuỗi cacbon từ C6 đến C12. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Hoa Kỳ, các chất hoạt động bề mặt có chiều dài chuỗi cacbon lớn hơn C6 có thể có khả năng phân hủy và tạo thành PFOA và do đó sẽ được xếp vào loại độc hại đối với môi trường.

1. Tác động đến môi trường:

– Khử oxy trong nước

– Flo có thể gây độc cho đời sống thủy sinh khi thoát vào hệ thống thoát nước và tồn tại ở môi trường nước mặt

– Một số hợp chất trong bọt chữa cháy không bị phân hủy trong môi trường và có thể được hấp thụ bởi hệ thực vật và động vật, gây ảnh hưởng lâu dài.

2. Tác hại cho con người

Chúng có liên quan đến nhiều loại bệnh và tình trạng mãn tính, đặc biệt là ung thư. Lính cứu hỏa, người tiếp xúc thường xuyên, lâu dài có nguy cơ cao. Các bằng chứng khoa học cho thấy sự liên kết của PFAS với ung thư, tổn hại cho hệ thống miễn dịch của con người và các bệnh khác, ngay cả với liều lượng nhỏ. Một khi những hóa chất này xâm nhập vào cơ thể con người thì rất khó để loại bỏ chúng.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), đã có báo cáo về mối liên quan giữa PFAS và nhiều loại ung thư khác nhau. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Biomoosystem California cho thấy mức độ cao của PFAS (hóa chất được tìm thấy trong AFFF) trong các đối tượng thử nghiệm lính cứu hỏa của họ. Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu của Đại học UC Berkeley và Đại học Harvard ước tính khoảng 6 triệu người trở lên có thể đã tiếp xúc với ô nhiễm PFAS qua nước uống. Arlene Blum, đồng tác giả của nghiên cứu và là học giả thỉnh giảng tại Khoa Hóa học và Giám đốc Điều hành của Viện Chính sách Khoa học Xanh, bày tỏ lo ngại về việc nước uống bị ô nhiễm: “Trong các quá trình chữa cháy bằng bọt chứa cháy, một lượng lớn các hóa chất độc hại này trôi vào nước mặt và nước ngầm và có thể tồn dư trong nước uống, nước sinh hoạt”.

3. Biện pháp kiểm soát và giảm thiểu tác động:

– Ưu tiên thu gom, ngăn chặn việc xả bọt chữa cháy không kiểm soát/ chưa được xử lý vào cống rãnh, hệ thống thoát nước mặt của khu vực

– Có các biện pháp bảo vệ chống tiếp xúc đối với chiến sỹ chữa cháy, người có hoạt động tiếp xúc thường xuyên, lâu dài bằng các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và thiết bị thở khép kín (SCBA). Do PFAS / PFOA / PFOS có thể xâm nhập qua đường miệng, hấp thụ qua da hoặc hít phải khi tiếp xúc trong không khí.

– Làm sạch các dụng cụ, thiết bị chứa bọt chữa cháy ngay sau khi sử dụng

– Thay thế các sản phẩm bọt chữa cháy AFFF cũ bằng các sản phẩm bọt chữa cháy công nghệ mới sử dụng các thành phần có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa flo và các thành phần PFAS / PFOA / PFOS

4. Các sản phẩm Bọt chữa cháy an toàn cho môi trường và con người

Dựa trên các nghiên cứu và thống kê thực tế, cơ quan chức năng đã có khuyến cáo và chính sách cụ thể để khuyến cáo, giảm thiểu và có lộ trình ngăn cấm việc sử dụng các sản phẩm chất tạo Bọt chữa cháy không thân thiện với môi trường và con người.

Đồng thời cũng đề xuất các sản phẩm thay thế an toàn, mang tính xu thế như:

– Chất tạo Bọt không chứa Flour (FFF – Fluorine-Free Foams)

– Chất tạo bọt chữa cháy AFFF ứng dụng công nghệ mới, công nghệ C6 từ các thành phần có nguồn gốc thiên nhiên ( không chứa PFAS / PFOA / PFOS, đảm bảo khả năng phân huỷ tự nhiên đến 99.9%)

Qua nghiên cứu hiện nay, có 02 loại bọt chữa cháy an toàn cho môi trường và con người sau đây:

4.1 Bọt chữa cháy không chứa flo (FFF hay còn gọi là F3)

– Với loại bọt này có hiệu quả đối với đám cháy loại A và loại B (đám hydrocacbon và đám cháy dung môi phân cực). Hiện nay các sân bay lớn, lực lượng cảnh sát PCCC của các nước phát triển, Công ty Hàng hải, Dầu khí và công nghiệp Hóa chất… trên thế giới đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm chất tạo bọt chữa cháy không chứa flo, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và quy định của cơ quan quản lý. Thực tế qua sử dụng đã chứng minh bọt chữa cháy không chứa flo có hiệu quả dập cháy cao và tác dụng bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

– Hiệu quả dập cháy và tương thích với các thiết bị hiện có: Bọt không chứa flo tạo ra một lớp bọt chống cháy bên trên nhiên liệu cháy và bổ sung tác dụng làm mát để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Bọt FFF được sử dụng với các tỷ lệ trộn và phương pháp giống như bọt AFFF, cũng có thể được ứng dụng ở độ giãn nở thấp, trung bình và cao, mang lại hiệu suất dập cháy cao.

Bọt FFF cũng có thể được sử dụng với nhiều loại thiết bị và hệ thống tạo bọt, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như TCVN 7278, ISO 7203, EN 1568, UL 162, IMO…., hoàn toàn có thể thể thay thế các loại bọt có flo AFFF và AR-AFFF.

– Tác dụng bảo vệ môi trường và sức khỏe con người: Bọt FFF được đảm bảo không chứa các hóa chất flo hóa PFAS, PFOS và PFOA, dễ phân hủy và không gây tác hại cho môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

4.2 Bọt chữa cháy công nghệ mới (công nghệ C6)

Năm 2003, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Hoa Kỳ đã kết luận rằng:

+ Các chất hoạt động bề mặt có chiều dài chuỗi cacbon lớn hơn C6 có thể có khả năng phân hủy và tạo thành PFOA và do đó sẽ được xếp vào loại độc hại đối với môi trường.

+ Các chất hoạt động bề mặt có độ dài chuỗi cacbon từ C6 trở xuống không thể phân hủy thành PFOA.

Các chất tạo bọt công nghệ mới là các sản phẩm sử dụng chất hoạt động bề mặt có chuỗi cacbon bằng C6, không có tác hại đối với môi trường do có khả năng phân huỷ gần như hoàn toàn một cách tự nhiên; đáp ứng các tiêu chuẩn Quốc tế như UL 162, ICAO B và EN 1568: 2008-3.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Firefighting Foam Contains Toxic Forever Chemicals – LEGALLY REVIEWED BY: Stan Gipe, B.C.S. September 28th, 2022, at https://www.dolmanlaw.com/blog/afff-fire-foam-forever-chemicals/

2. Hazard Firefighting with foam – The National Fire Chiefs Council – UK

https://www.ukfrs.com/guidance/search/firefighting-foam#:~:text=The%20main%20environmental%20effects%20of,accumulate%20in%20plants%20and%20animals

3. The Hidden Dangers in Firefighting Foam – U.S. Fire Administration. Posted: Feb. 11, 2020 at https://www.usfa.fema.gov/blog/cb-021120.html

4. Firefighting Foam and PFAS – Michigan PFAS Action Response Team, at https://www.michigan.gov/pfasresponse/investigations/firefighting-foam

5. Per- and Polyfluoroalkyl Substances (PFAS) – United States Environmental Protection Agency. https://www.epa.gov/pfas

6. Các sản phẩm bọt chữa cháy công nghệ mới. Công ty VinaFoam Việt Nam – https://vinafoam.vn/nguon-tai-lieu-tham-khao.

Thượng tá, Nguyễn Thị Mùa, PTP 7/C07

Nguồn: Cục CS PCCC&CNCH

Tin tức liên quan